Aston Martin Valkyrie và câu chuyện về 2 con dê qua cầu

Hãy cùng chờ xem bản sản xuất Valkyrie sẽ khác biệt ra sao nhưng có một điều chắc chắc: với Neway chắp bút và Aston Martin là bệ phóng, Valkyrie sẽ trở thành thần tượng mới trong ngành công nghiệp xe hơi!


So với thế hệ P1, 918 và LaFerrari với triết lý biến xe đường phố thành xe đua, mảng siêu xe hypercar giờ được định hình theo xu thế đối lập: hoán cải xe đua để chạy trên phố. mở màn trào lưu này và hành trình từ trên giấy xuống đường của chiếc xe là câu chuyện đầy kịch tính.

Aston Martin Valkyrie đang mở màn ra một trào lưu mới trong làng hypercar đương đại.

Một ngày đẹp trời năm 2014, kỹ sư khí động học lỗi lạc nhất trong lịch sử đua xe F1 là Adrian Neway (59 tuổi, người Anh) bỗng dưng thấy cạn kiệt khao khát chiến thắng trong môn thể thao này. Công ty của ông là đội đua Red Bull Racing, thắng mọi danh hiệu vô địch F1 (từ 2010-2013) khiến ông tự nhủ: “Vô địch hết phần người khác kể cũng chán thật, gì mà những bốn năm liền cơ chứ? Mình thì từ đợt còn lẫm chẫm đã mơ được thiết kế một chiếc xe hơi rồi….”

Đến gặp chủ tịch Red Bull Racing để đề đạt, nguyện vọng chế tạo một siêu cỗ máy tốc độ đường phố mang trong mình ADN xe đua F1 của Neway ngay lập tức được phê duyệt. Tiền nong thì Neway chẳng lăn tăn, bởi ngài chủ tịch thuộc nhóm doanh nhân giàu bậc nhất hành tinh, đôi ba trăm triệu đô nếu cần có thể giải ngân ngay. Vấn đề nổi cộm lúc này là sẽ lắp ráp kiểu gì khi kinh nghiệm thiết kế xe dân dụng của Neway là một tờ giấy trắng không hơn…

Những chiếc xe Red Bull dựa hoàn toàn vào khí động học của Neway để xưng bá F1.

Cách không xa trụ sở đội đua Red Bull Racing, tại Gaydon – miền đất của những chiếc xe điệu đà nhất thế giới gắn nhãn Aston Martin, các sếp lớn của hãng xe Anh quốc này cũng đang loay hoay với một tham vọng nửa vời. Họ vừa làm một mẫu xe ý tưởng dùng động cơ đặt giữa tên là DP-100. Gọi nửa vời là bởi Aston dựng mô hình concept này với mục đích cho vào… game đua xe Gran Turismo 6 là chính.

Vậy mà khi mang xe tới triển lãm Pebble Beach thì lại nhận được thiện chí lớn từ công chúng. Hết sự kiện, Aston bán lại mô hình DP-100 đó cho một nhà sưu tập. Giới tài phiệt sau khi biết thông tin này đã tới tấp gọi điện cho hãng, ngỏ ý sẵn sàng xuống tiền đặt cọc lập tức nếu xe được sản xuất hàng loạt. Từ đây, đưa vào dây chuyền lắp ráp một dòng xe thể thao dùng động cơ đặt giữa trở thành đề tài chính trong mọi trao đổi nội bộ ở Gaydon…

Nguyên mẫu DP-100 Vision Gran Turismo Concept trình làng năm 2014

Thế nhưng ngay lúc này trên mặt trận xe thể thao động cơ đặt giữa, ‘thổ địa’ là một siêu quái vật mà sau mọi cuộc quyết chiến, chưa từng có địch thủ nào sống sót trở lại để kể về thất bại của nó. Siêu quái vật này mang tên 458 Italia!

Tại nước Anh, lần này Aston hết sức thận trọng vì ý thức rất rõ vương quyền mà 458 (sau này là 488) đang nắm giữ, cũng như thấm thía bài học với Rapide năm nào khi hăm hở nhảy vào thị phần sedan bốn cửa, để rồi không đạt được thành công như kỳ vọng. Nhưng nhiệt huyết của hãng dành cho dự án siêu xe động cơ đặt giữa này chưa bao giờ cao trào đến thế. Trong cuộc họp quyết định, khi CEO Andy Palmer lên tiếng biểu quyết lần chót ‘Nên hoà hay nên đánh?’, cả hội đồng quản trị cùng đồng thanh: Đánh, đánh!

Tinh thần là như vậy, nhưng mọi thứ không hề giản đơn vì Ferrari đã gây dựng được thanh thế cho dòng xe động cơ đặt giữa suốt 70 năm qua. Gần nhất, năm 2005 Aston từng ồ ạt ra quân khiêu chiến 911 bằng dàn xe tinh nhuệ V8 Vantage mà vẫn không xô đổ được triều đại của chiếc Porsche. Như vậy, kinh nghiệm rút ra là nếu cứ tung đòn tấn công trực tiếp vào các đối thủ có bề dày truyền thống thì Aston e là không nhận lại gì khác ngoài thất bại. Nhưng đâu còn chiến thuật nào khác?!

Hai phiên bản AMR rất đẹp này sẽ kết thúc ‘nhiệm kỳ’ của cả Rapide và V8 Vantage.

Cho đến một cuộc hội thoại để đời:

‘Alô, Palmer hả, tôi Neway đây. Thời gian trôi nhanh gớm nhể, đợt chúng ta mới biết nhau lão còn phiêu bạt tít mù khơi tận bên Nhật cùng Nissan, giờ đã chễm chệ ở Gaydon rồi. Nghe phong thanh là lão đang ủ mưu thách thức người Ý phỏng?’

Palmer bỗng chột dạ nên đánh trống lảng: ‘Thảo mai vừa chứ! Toàn nghe hơi nồi chõ ở đâu đâu ấy. Ủ iếc cái gì, Ý nào?’

‘Nghe tôi bày đường tắt cho con xe mới của lão đây: đừng dại gì mà tung nó ra vội! Cứ âm thầm phát triển thôi. Trong lúc ấy, hãy cùng tôi làm một siêu xe hyper mới, tôi đang có ý tưởng rồi, cũng tính dùng động cơ đặt giữa đấy…’

Ở đầu dây bên kia, vị CEO của Aston nhíu trán khi nghe thấy ‘động cơ đặt giữa’.

‘…triển vọng là sẽ vượt xa đám P1, 918, LaFerrari luôn! Lão gây được tiếng vang này rồi thì hãng xe của lão sẽ lập tức tạo cho khách hàng tiềm năng lối suy nghĩ rằng: Aston Martin mà đã làm được siêu xe hyper động cơ đặt giữa tốt như thế, thì chắc chắc dòng xe thường của họ dùng loại động cơ này cũng phải tầm cỡ 458 chứ chả chơi! Lão cứ tin tôi, tôi vô địch F1 bốn lầ…’’

Kỹ sư của Red Bull vẫn thao thao bất tuyệt thì:

‘Thôi đừng lằng nhằng nữa’, Palmer lớn tiếng ngắt lời Neway, ‘Chơi luôn!’

Và như thế, dự án mang bí số AM-RB 001, về sau trở thành Valkyrie, đã chính thức ra đời.

Định mệnh đã kéo Aston Martin và Red Bull lại với nhau.

Khác với câu chuyện cổ khi hai con dê đấu đầu nhau, trong dự án AM-RB 001 thì cả Aston và Red Bull cùng nhìn về một hướng. Nhưng điểm chung giữa huyền thoại và đời thực là không con nào chịu nhường con nào. Cả dê trắng lẫn dê đen đều muốn sang cầu trước, còn Aston lẫn Red Bull cũng luôn kèn cựa nhau để chiếc xe có thiết kế sát ý mình nhất.

Đầu tiên là nhân tố tối quan trọng: động cơ. Một điều chắc chắn là để theo xu thế đương đại thì bên cạnh động cơ đốt trong, Valkyrie sẽ được trang bị thêm pin để hỗ trợ tăng tốc. Vấn đề còn lại chỉ là dùng cấu hình động cơ nào. Phía Aston cậy tự lắp ráp được máy móc nên hết sức hăng hái.

‘V6 tăng áp kép có vẻ được của nó đấy?’

Neway bày tỏ nghi ngại:‘Cơ mà tản nhiệt cho máy tăng áp phiền hà lắm. Mà chủ trương là ta sẽ gắn luôn động cơ vào khung gầm nên sẽ bị rung lắc rất nhiều. Hơn nữa, tiếng ống xả của máy tăng áp nghe không oách.’

‘Thế thì chơi hẳn V12 hút khí tự nhiên đi cho máu?’

Nghe tiếng động cơ hút khí tự nhiên gầm rú trên xe F1 lâu năm đã quen, gần đây giải đua này chuyển qua dùng tăng áp khiến Neway ngán ngẩm không kể xiết, nên khi được đề xuất V12 hút khí tự nhiên ông gật gù tâm đắc.

Chiếc Vulcan sử dụng động cơ V12 hút khí tự nhiên của Aston Martin, tạo ra một trong những thứ âm thanh hay nhất thế giới.

Nhưng Aston thực ra là có ý đồ trục lợi. Bởi như đã biết, hãng đồng ý hợp tác cùng Neway là để tạo thanh thế, đón lõng thời điểm ngay sau khi giao hết 150 xe Valkyrie cho khách xong xuôi (tầm 2020) là sẽ lấn vào phân khúc xe động cơ đặt giữa. Nên nếu giờ mà dự án xe đua đường phố này sử dụng luôn động cơ của Aston lắp ráp thì còn cách PR nào lý tưởng hơn, nên chủ động gợi ý:

‘Này, nhà có sẵn máy V12 rồi. Hay là lấy xừ luôn đi, tội gì?’

Neway nghe đến đây giẫy nẩy lên: ‘Gì, cái thứ dùng trên Vanquish của các người đấy á? Nói đùa… chưa đến 600 mã lực thì các người định đua với xe lu hả…’

‘Không, loại thượng hạng hẳn hoi, đợt trước lắp cho One-77 ấy. Trộm vía cũng được 750 mã lực và còn chưa tính thêm cả công suất từ pin nữa mà.’

Thiện chí mang đầy tính toán này đã đẩy cơn cáu của Neway quá mức giới hạn. Hậu quả là hai bên tí nữa đã huỷ luôn giao kèo hợp tác trước khi phía Aston chấp nhận nhượng bộ vì Neway muốn có một động cơ khoẻ nhất có thể. Sau đó ông đã đi đặt một nhà sản xuất động cơ xe F1 có tiếng làm riêng bộ máy V12 cho Valkyrie.

Hai bên chia rõ phận sự khi hãng xe Anh tỉa tót phần lớn nội/ngoại thất cho xe còn Neway lo thiết kế khí động học.

Một dịp khác, khi giám đốc thiết kế Reichman của Aston tới xưởng thị sát, ông chui xuống tận gầm xe ngó ngó nghiêng nghiêng một thôi một hồi, rồi phàn nàn:

‘Này này, sao cái chỗ kia nó vuông thế nhể? Đã là xe Aston thì đến cái gầm xe cũng phải đẹp, kẻo mang tiếng chết. Nếu ông làm nó trông thanh thoát hơn tí thì hộ chúng tôi với.’

Lần này đến lượt nhà thiết kế xuống nước. Sau khi hỏi xoáy: ‘Khả năng là ngài có cả hình xăm ở lòng bàn chân cũng nên…’ thì Neway cũng lọ mọ lấy giấy bút thiết kế lại phần gầm xe ấy.

Đó là một vài xung đột trong suốt quá trình xây dựng Valkyrie. Chiếc xe vẫn đang trong giai đoạn phát triển với nhiều hạng mục cần hoàn thiện, nhất là những chi tiết kỹ thuật ngặt nghèo để được cấp phép lưu hành tại Mỹ, nơi chắc chắn đã có ít nhiều khách đặt xe.

Cửa xe bé và lại nằm quá cao nên khách sẽ phải chui, bò hoặc trườn… thay vì đi vào xe.

Ví dụ, để vào Mỹ, trừ phiên bản đường đua, mẫu Valkyrie phổ thông buộc phải có túi khí mà chiếc xe trưng bầy hiện tại không rõ sẽ trang bị túi khí vào chỗ nào, khi giữa vô-lăng giờ là nơi lắp màn hình. Ngoài ra, với cân nặng quá khiêm tốn (khoảng 1100kg), khả năng rất cao Valkyrie sẽ bị luật giao thông nước này gây khó dễ. Neway và Aston sẽ phải bằng cách nào đó tăng khối lượng cho xe! Như vậy thì tỉ lệ công suất/trọng lượng sẽ không còn là 1:1 như kế hoạch và điều đó sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất vận hành ra sao?

Các sự cố vặt vãnh kiểu này từng khiến Koenigsegg và Pagani rất khổ sở mới bán được một ít xe tại xứ cờ hoa dù nhu cầu của khách luôn cao.

Liệu túi khí có thể được đặt ở đâu mà không ảnh hưởng tới cấu trúc nội thất dầy đặc màn hình này?

Thêm nữa, để trấn áp nạn đầu cơ xe kiếm lời, Aston tuyên bố sẽ ‘từ mặt’ bất cứ khách nào nhượng lại Valkyrie. Tuy nhiên, kiểu gì rồi cũng sẽ có người phải sang tên xe, như khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008 khiến rất nhiều chủ xe Veyron phải bán tháo. Một vấn đề không tên ở đây là Aston sẽ quét 3D phom người của khách để sản xuất ghế cố định luôn vào khung gầm ngay khi lắp ráp. Vậy sau khi bán, nếu chủ mới cao hơn chủ cũ 20cm và nặng hơn 30kg thì hãng sẽ giải quyết kiểu gì?

Hãy cùng chờ xem bản sản xuất Valkyrie sẽ khác biệt ra sao nhưng có một điều chắc chắc: với Neway chắp bút và Aston Martin là bệ phóng, Valkyrie sẽ trở thành thần tượng mới trong ngành công nghiệp xe hơi!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *